Chào mừng bạn đến với Heatco Việt Nam

Đạt tiêu chuẩn: ISO 9001:2015

Hiện trạng & xu hướng phát triển của ngành “Xử lý nhiệt – xử lý bề mặt”

Công ty TNHH Heatco Việt Nam

Hiện trạng & xu hướng phát triển của ngành “Xử lý nhiệt – xử lý bề mặt”

Hiện trạng & xu hướng phát triển của ngành “Xử lý nhiệt – xử lý bề mặt”

Xử lý bề mặt (mạ, sơn, đánh bóng, v.v.) và xử lý nhiệt là các quy trình quan trọng đối với các sản phẩm kim loại và được cho là các quy trình thiết yếu để tăng độ bền và khả năng chống ăn mòn của một số sản phẩm. Lần này chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về ngành xử lý nhiệt và xử lý bề mặt tại Việt Nam.

Tổng quan

Có khá nhiều phương pháp xử lý nhiệt – xử lý bề mặt hiện đang được thực hiện tại Việt Nam.

Về xử lý nhiệt, 4 loại hình nhiệt luyện cơ bản là ủ, thường hóa, tôi, ram đều có thể được đặt hàng tại Việt Nam, trong đó tôi là phổ biến nhất. Về tôi thép thì được phân thành 2 nhóm lớn là tôi thể tích (tôi xuyên tâm) và tôi (thấm) bề mặt (tôi mặt ngoài), trong đó thấm bề mặt đang là kỹ thuật mà không nhiều đơn vị xử lý nhiệt tại Việt Nam có thể đối ứng tốt, đặc biệt với những đơn hàng có yêu cầu cụ thể về độ sâu của lớp thấm. Thấm bề mặt cao cấp với yêu cầu dung sai nhỏ (dưới 1mm) thì chỉ có doanh nghiệp Nhật mới đối ứng được, nhưng số lượng đơn hàng như vậy không phải nhiều. Ngoài ra, để kiểm tra độ sâu lớp thấm, cần đến máy phân tích cắt lớp, nhưng thiết bị này rất ít công ty sở hữu.

Về xử lý bề mặt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối ứng khá đa dạng các phương pháp như sơn, mạ, đánh bóng, mài. Về mạ thì có mạ kẽm, mạ niken, mạ crom, tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam có thể đối ứng mạ linh kiện công nghiệp kích thước nhỏ thì không nhiều. Về sơn thì cả sơn nước và sơn bột đều khá phổ biến. Gần đây, số lượng doanh nghiệp sơn bột đã tăng lên đáng kể. Nói chung thị trường được chia ra thành các công ty chuyên về 1 phương pháp, và các công ty vừa gia công cơ khí vừa sở hữu dây chuyền xử lý nhiệt hoặc xử lý bề mặt, hoặc cả 2 trong công ty.

Về hoạt động của các doanh nghiệp, chúng tôi sẽ trình bày kỹ hơn dưới đây.

Hoạt động của doanh nghiệp

Tại Việt Nam, có thể chia doanh nghiệp xử lý nhiệt – xử lý bề mặt thành 2 nhóm.

Thứ nhất là các doanh nghiệp gia công cơ khí có thực hiện xử lý nhiệt – xử lý bề mặt. Mục đích chủ yếu là để phục vụ nhu cầu của chính doanh nghiệp đó. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp cũng nhận thêm cả những đơn hàng bên ngoài để tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên và tăng thu nhập cho doanh nghiệp. Đây thường là những doanh nghiệp lớn, trong đó bao gồm doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp FDI, và một số ít doanh nghiệp gia công cơ khí lớn của Việt Nam. Đa số doanh nghiệp nhà nước là những doanh nghiệp lâu đời, đã trải qua nhiều lần cải cách hay thay đổi cơ cấu doanh nghiệp. Các trang thiết bị cũng được đầu tư từ sớm nhưng ít có sự đổi mới, nên hầu hết là những thiết bị cũ với công nghệ lạc hậu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với hoạt động cổ phần hóa, các công ty nhà nước cũng đã có sự thay đổi mạnh mẽ cả về trang thiết bị lẫn hoạt động quản lý chất lượng. Với thế mạnh là sẵn có cơ sở vật chất, cùng nguồn tài chính dồi dào, các công ty này vẫn có 1 vị trí khá vững chắc trong ngành. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các doanh nghiệp Nhật, thì thường có sự đầu tư bài bản với thiết bị đồng bộ, chi phí đầu tư lớn ngay từ đầu. Một số ít doanh nghiệp Việt Nam cũng rất chịu khó đầu tư vào trang thiết bị, nhưng họ vẫn thường xuyên phải “đau đầu” về vấn đề tài chính.

Nếu nói về lợi ích của việc tự thực hiện các công đoạn xử lý nhiệt và xử lý bề mặt thì rõ ràng là điều này giúp doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc quản lý chất lượng, cũng như giảm chi phí thuê ngoài. Tuy nhiên, chi phí đầu tư về trang thiết bị, máy móc có thể rất lớn. Bên cạnh đó, để dây chuyền hoạt động hiệu quả, doanh nghiệp còn cần phải bỏ chi phí đào tạo nhân công. Các doanh nghiệp FDI có thể có chuyên gia từ công ty mẹ sang hướng dẫn với chương trình đào tạo bài bản hơn, trong khi đó các doanh nghiệp trong nước phải mất thêm chi phí mời chuyên gia về đào tạo, hoặc là tự đào tạo theo cách người biết dạy cho người không biết.

Thứ hai là các doanh nghiệp chuyên về xử lý nhiệt – xử lý bề mặt. Trước đây thì chỉ có 1 số ít các doanh nghiệp nước ngoài như doanh nghiệp của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, và họ gần như chiếm thế “độc tôn” trong lĩnh vực này. Lúc đó, các doanh nghiệp Việt Nam – hầu hết là các doanh nghiệp nhỏ, với khả năng tài chính hạn chế – chủ yếu sử dụng máy móc và thiết bị của Trung Quốc, với công nghệ và kỹ thuật lạc hậu nên rất khó để cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có kỹ thuật và các thiết bị tiên tiến hơn.

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, số lượng doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong các lĩnh vực này dần tăng lên. Hầu hết trong số đó có người sáng lập là những người đã từng làm ở các doanh nghiệp FDI. Với kinh nghiệm làm việc của chính người sáng lập thì có thể cho rằng họ sẽ đảm bảo được về mặt know-how cho công ty, tuy nhiên cản trở lớn nhất vẫn là về mặt trang thiết bị. Việc đầu tư các trang thiệt bị của Nhật là rất tốn kém, nên đa số doanh nghiệp này sẽ chọn sử dụng máy móc, thiết bị của Trung Quốc, hoặc máy cũ của Nhật, hay thậm chí là tự sản xuất bằng cách mua các linh kiện lõi từ Trung Quốc và tự làm phần cơ khí khung vỏ. Một số công ty phản hồi lại với tạp chí Emidas rằng: “Doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn có kiến thức và know-how để đối ứng đơn hàng, nhưng lại thiếu trang thiết bị hiện đại để đảm bảo tính hiệu quả và chất lượng của sản phẩm.”

Quy trình sản xuất

Từ quá trình đến thăm nhiều doanh nghiệp xử lý nhiệt – xử lý bề mặt tại Việt Nam, tạp chí Emidas nhận thấy rằng các doanh nghiệp FDI Nhật Bản có sự ưu việt hơn hẳn về mặt quản lý sản xuất, và điều này gần như đã trở thành yếu tố đảm bảo cho chất lượng vượt trội của các doanh nghiệp Nhật Bản.

Quy trình xử lý nhiệt hay xử lý bề mặt thường phải trải qua nhiều công đoạn, và với mỗi sản phẩm thì lại có cách xử lý khác nhau tùy thuộc vào hình dáng hay vật liệu. Tại các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, mỗi công đoạn thường được thiết kế rất chi tiết và khoa học, được điều chỉnh một cách cẩn thận để đảm bảo rằng sản phẩm đạt được chất lượng cao nhất có thể.

Ví dụ, khi chúng tôi đến thăm dây chuyền sơn bột của 1 doanh nghiệp Nhật Bản thì đã được chứng kiến các công đoạn làm sạch bề mặt, sấy, sơn được thực hiện đầy đủ với những hướng dẫn cụ thể về yêu cầu kỹ thuật, thời gian, nhằm tối ưu hóa dây chuyền cũng như quản lý chất lượng đầu ra một cách triệt để. Tại những doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam thì đối với từng công đoạn có thể sẽ thiếu đi sự chi tiết và chặt chẽ, thậm chí có thể lược bớt 1 số công đoạn xử lý ban đầu để tiết kiệm chi phí và thời gian.

Một ví dụ khác, đó là với các doanh nghiệp xử lý nhiệt của Nhật Bản thì việc ghép lò hay cắt bớt công đoạn dường như là không thể chấp nhận được. Đó dường như là sự phản ánh sâu sắc triết lý sản xuất của người Nhật, nơi mà mỗi công đoạn được coi là một phần không thể tách rời của quy trình tạo ra sự hoàn hảo. Tuy nhiên, tại các doanh nghiệp của Việt Nam thì họ vẫn nhận ghép lò để xử lý chung những đơn hàng nhỏ lẻ, hay cắt bớt công đoạn để đáp ứng yêu cầu về thời gian giao hàng. Hai phong cách đối ứng khác nhau này đều có những ưu và khuyết điểm riêng. Cách đối ứng của doanh nghiệp Nhật giúp đảm bảo chất lượng nhưng giá thành cao, thời gian xử lý lâu. Ngược lại, cách đối ứng của doanh nghiệp Việt Nam dường như linh hoạt hơn, phù hợp với những đơn hàng không yêu cầu quá cao về mặt chất lượng nhưng lại cần giao hàng gấp.

Như vậy, có thể nói rằng, tuy cùng hoạt động trong một lĩnh vực nhưng đối tượng khách hàng của doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam lại khá khác nhau. Tương tự, các doanh nghiệp khi muốn đặt hàng xử lý nhiệt – xử lý bề mặt tại Việt Nam cũng có thể cân nhắc những phương án đặt hàng linh hoạt hơn: các sản phẩm không yêu cầu chất lượng quá cao có thể đặt hàng doanh nghiệp Việt Nam để tiết kiệm chi phí và thời gian giao hàng, các sản phẩm yêu cầu chất lượng cao thì nên đặt hàng tại doanh nghiệp FDI Nhật.

Một điều khác mà tạp chí Emidas muốn lưu ý với các nhà mua hàng đó là, tại một số doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa có quy trình bảo dưỡng thiết bị – máy móc định kỳ, thường chỉ sửa chữa khi phát sinh hỏng hóc. Việc này có thể dẫn đến thiết bị hoạt động không ổn định, dễ gây ra sự cố và giảm hiệu suất sản xuất, kéo dài thời gian giao hàng.

Thách thức

Dưới đây là một số thách thức đối với ngành xử lý nhiệt – xử lý bề mặt tại Việt Nam. Đây cũng không chỉ là những vấn đề của riêng ngành này mà có thể nói là vấn đề chung của ngành chế tạo tại Việt Nam.

Thứ nhất, vị trí của các nhà máy không có tính liên kết, nhà máy gia công và nhà máy xử lý nhiệt – xử lý bề mặt không ở gần nhau. Điều này một phần là do quy hoạch và chính sách của nhà nước và các địa phương, phát triển khu công nghiệp chủ yếu nhằm thu hút đầu tư nước ngoài hoặc các tập đoàn lớn của Việt Nam, trong khi các doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ địa phương khó có khả năng thuê đất dài hạn tại đây. Chính sách hỗ trợ thuê đất công nghiệp, hỗ trợ tài chính, thuế cho doanh nghiệp sản xuất trong giai đoạn trước cũng rất hạn chế, hầu như doanh nghiệp phải “tự lực cánh sinh” là chính. Vì vậy, đa số các doanh nghiệp trong những năm đầu hoạt động đều phải thuê/mua lại đất tư nhân hoặc đất trong các cụm công nghiệp nhỏ để làm nhà xưởng. Bản đồ các nhà máy công nghiệp phụ trợ Việt Nam có sự phân bố không đều như vậy, dẫn đến chi phí vận tải tăng, thời gian xử lý đơn hàng tăng.

Thứ hai, các trang thiết bị và hầu hết các loại nguyên vật liệu (các loại hóa chất, dung môi, các chất phụ gia…) dùng trong quá trình gia công đều phải nhập khẩu từ nước ngoài. Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu là bài toán nan giải cho nhiều doanh nghiệp trong nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam. Việc mua nguyên liệu từ nước ngoài có thể liên quan đến các chi phí như thuế nhập khẩu, phí vận chuyển quốc tế và đôi khi sẽ có biến động giá cả của nguyên liệu trên thị trường quốc tế, làm tăng chi phí sản xuất.

Thứ ba là vấn đề về môi trường. Quá trình xử lý nhiệt và xử lý bề mặt có thể ảnh hưởng đến môi trường một cách đáng kể. Trong quá trình xử lý nhiệt, việc sử dụng nhiệt độ cao và các chất hóa học làm thải ra môi trường khói, hơi và các khí độc hại. Tương tự, quá trình xử lý bề mặt cũng sử dụng các hóa chất, dung môi và các chất phụ gia, có thể dẫn đến thải ra các chất độc hại vào môi trường nếu không được xử lý đúng cách. Vấn đề bảo vệ môi trường là trách nhiệm nhưng cũng là gánh nặng đối với doanh nghiệp. Trong quá trình hoạt động doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí cho các biện pháp bảo vệ môi trường, xử lý chất thải. Thêm nữa, gần đây, do quy định của nhà nước về bảo vệ môi trường và hướng đến chuyển đổi xanh, việc cấp phép các dự án đầu tư mới liên quan đến các lĩnh vực này, đặc biệt tại những thành phố lớn như Hà Nội, Hồ Chí Minh là rất khó khăn. Việc kiểm tra hoạt động xử lý môi trường cũng được siết chặt hơn nhiều sau 1 số vụ việc lớn gây ô nhiễm môi trường xảy ra ở các lĩnh vực khác, cũng ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động của các doanh nghiệp trong ngành.

Triển vọng

Xử lý nhiệt và xử lý bề mặt là công đoạn tiếp theo của hoạt động gia công, vì vậy có thể nói rằng, tiềm năng phát triển của ngành phụ thuộc hoàn toàn vào triển vọng mở rộng của các doanh nghiệp gia công. Mặt khác, không phải mặt hàng nào cũng cần đến xử lý nhiệt – xử lý bề mặt cao cấp.

Trong bối cảnh thị trường xe máy Việt Nam đã bão hòa, quy mô ngành ô tô còn nhỏ bé, ngành chế tạo máy móc thiết bị (như máy xây dựng, máy nông nghiệp…) hầu như “giậm chân tại chỗ”, quy mô thị trường nội địa đối với ngành xử lý nhiệt trong những năm gần đây gần như không thay đổi. Mặt khác, ngành xử lý bề mặt có thể có cơ hội phát triển khi các khách hàng chuyển dịch đặt hàng qua Việt Nam, tuy nhiên có thể sẽ gặp phải các vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Trong dài hạn, khi nhu cầu thị trường đối với các mặt hàng cần yêu cầu xử lý nhiệt – xử lý bề mặt chất lượng cao tăng lên, cũng như trải nghiệm của khách hàng thay đổi (chuyển từ ưu tiên giá cả sang chú trọng chất lượng) thì có lẽ bức tranh của ngành này tại Việt Nam mới thực sự khởi sắc. Và, việc sắp xếp thứ tự doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chẳng hạn như phía Việt Nam chia sẻ hạ tầng nhà máy, đảm nhiệm gia công thô, gia công hàng loạt, phía Nhật Bản phụ trách gia công tinh, xử lý sau gia công yêu cầu chất lượng cao… có thể sẽ là một trong những giải pháp góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp phụ trợ địa phương.